Ngày nay, quản lý dữ liệu là việc làm tất yếu của hầu hết các tổ chức hay doanh nghiệp. Nó luôn đóng vai trò quan trọng cần được tiến hành một cách cẩn thận để có thể đảm bảo tính hiệu quả, an toàn và bảo mật cho hệ thống thông tin. Vậy quản lý dữ liệu là gì? Công nghệ blockchain đã góp phần giải quyết những vấn đề tồn đọng về quản lý dữ liệu hiện nay như thế nào? Trong bài viết này sẽ giúp bạn làm sáng tỏ những điều đó.
Quản lý dữ liệu là quá trình thu nhập, lưu trữ, tổ chức và duy trì dữ liệu trong một tổ chức. Dữ liệu – hiểu đơn giản là tập hợp tất cả các thông tin. Quản lý dữ liệu hiệu quả vô cùng quan trọng trong việc triển khai các hệ thống thông qua các ứng dụng kinh doanh, cung cấp thông tin, phân tích để thúc đẩy quá trình ra quyết định vận hành và hoạch định chiến lược trong doanh nghiệp. Quy trình quản lý dữ liệu là kết hợp các chức năng khác nhau, nhằm đảm bảo dữ liệu trong các hệ thống doanh nghiệp chính xác luôn có sẵn và có thể truy cập được bất kỳ lúc nào.
Dữ liệu là tài sản “cơ mật” của công ty, được sử dụng và lưu thông nội bộ nhằm gia tăng độ chính xác, cải thiện và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Quản lý tốt dữ liệu giúp cho các doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh tốt so với đối thủ, cho phép cải thiện quá trình và đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời. QLDL tốt cũng hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong công tác đánh giá, nghiên cứu và phân tích nhu cầu thị trường, đánh giá nhân viên, khách hàng, đối thủ cạnh tranh…
Bên cạnh đó, hạn chế các vấn đề về bảo mật và tệp dữ liệu bị xâm hại tránh gây ảnh hưởng đến uy tín của công ty, gặp nguy hiểm về mặt pháp lý và có thể làm gia tăng các chi phí phục hồi khác. Chúng ta cần lưu ý về những trường hợp không nhất quán của hệ thống dữ liệu, khi đó các ứng dụng hệ thống sẽ hiểu sai, nhận diện không đúng và tệ hơn là dẫn đến sai lệch và phát sinh lỗi không đáng có.
Tại mỗi doanh nghiệp có nhiều cách thức lưu trữ hồ sơ dữ liệu khác nhau: văn bản giấy, chứng từ, hay kho lưu trữ dữ liệu chung của doanh nghiệp. Dù cho ở bất kỳ hình thức nào thì vấn đề đảm bảo an toàn, bảo mật, tình trạng thất thoát thông tin tài liệu vẫn luôn khó kiểm soát được. Việc này gây khá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn bảo mật thông tin tài liệu.
Hiện nay, công việc đòi hỏi có sự gắn kết dữ liệu thành một thể thống nhất càng trở thành vấn đề đặc biệt quan tâm trong nhiều lĩnh vực. Khi nguồn dữ liệu xảy ra hiện tượng không đồng bộ xuyên suốt gây khó khăn cho người dùng trong quá trình tìm kiếm khai thác và kiểm soát thông tin. Theo số liệu thống kê, trung bình một nhân viên tốn từ 30 – 40% thời gian làm việc chỉ để cho việc tìm kiếm thông tin và tiêu tốn khoảng 18 phút sàng lọc dữ liệu. Điều này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất việc làm của nhiều lĩnh vực hay nhiều ngành khác nhau.
Theo như các phương pháp quản lý dữ liệu thủ công, thông tin tài liệu không được lưu thông xuyên suốt giữa các nhân viên và bộ phận khác nhau trong công ty. Điều này dẫn đến việc giảm khả năng tương tác giữa các nhất viên, từ đó làm giảm hiệu suất làm việc và mức độ hiệu quả của công việc.
Hiện nay, việc quản lý một khối lượng lớn dữ liệu đang ngày một gia tăng đã không ngừng tạo ra sức ép cho thiết kế hệ thống quản lý dữ liệu hợp lý. Đi cùng với đó thách thức của tiếp quản, áp dụng những công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong Data management sao cho tăng khả năng kiểm soát, xử lý khối lượng lớn dữ liệu ấy cũng là vấn đề gây ra không ít hoang mang cho nhiều doanh nghiệp.
Khi bắt đầu lên kế hoạch cụ thể, chúng ta thường phải rà soát lại các dữ liệu trong quá khứ. Tuy nhiên điều này lại không quá dễ dàng! Thay vì mất đi hàng giờ cho việc tìm kiếm lại dữ liệu cần thiết, chúng ta thường lựa chọn bỏ qua, để thực hiện nó một cách nhanh chính. Chính vấn đề này đã gây nên không ít lầm tưởng, sai sót trong quá trình thiết lập kế hoạch tương lai.
Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, với xu hướng phát triển và thay đổi liên tục ngày càng tạo ra nhiều cơ hội và thách thức trong việc phát triển các ứng dụng công nghệ thông minh nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu cuộc sống. Đặc biệt trong hoạt động quản lý dữ liệu lại càng “khó khăn” hơn bao giờ hết. Thế nhưng, sự ra đời của blockchain đã thay đổi cách mà con người quản lý và lưu trữ dữ liệu; nó giúp khắc phục và xóa bỏ những vấn đề tồn tại trong quá khứ.
Blockchain được xem là “chìa khóa” để xây dựng nền tảng công nghệ thông tin của tương lai. Không một ai có thể phủ nhận công nghệ blockchain đang làm đơn giản hóa việc lưu trữ hồ sơ và làm cho dữ liệu an toàn bởi tính năng đặc biệt bảo mật của nó.
Ngoài ra, blockchain còn được xem như một quyển sổ cái tập hợp và quản lý dữ liệu số giúp lưu giữ và truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và an toàn nhất. Nơi mà mọi hoạt động nội bộ của công ty đều được giám sát chặt chẽ. Điều đó đồng nghĩa bạn sẽ không bao giờ phải lo về việc dữ liệu sẽ bị đánh cắp. Vì khi đó dữ liệu sẽ được blockchain lưu trữ trên hàng ngàn thiết bị trên một mạng lưới gồm nhiều node phân tán, hệ thống và dữ liệu có khả năng chống lại lỗi kỹ thuật và các cuộc tấn công. Mỗi node trong mạng có khả năng sao chép và lưu trữ một bản sao của cơ sở dữ liệu nên dữ liệu sẽ không bị mất mà vẫn được bảo toàn.
Với những đặc thù riêng, Blockchain sẽ mở ra một xu hướng ứng dụng tiềm năng cho hoạt động quản lý dữ liệu và hạn chế, khắc phục những vấn đề của lưu trữ truyền thống. Hiện nay có rất nhiều các giải pháp lưu trữ blockchain khác nhau, tuy nhiên không có giải pháp nào là vượt trội tuyệt đối. Việc sử dụng chúng khi nào, hiệu quả mang lại ra sao điều phụ thuộc vào yêu cầu sử dụng đối với từng trường hợp riêng biệt.