Blockchain – giải pháp đặc biệt trong bảo mật thông tin doanh nghiệp

Blockchain trở thành công cụ đặc biệt trong bảo mật thông tin doanh nghiệp bởi nhiều lý do và đặc điểm của riêng nó. Vậy đó là những lý do nào? Có những đặc điểm đặc biệt nào khiến blockchain được tin cậy và lựa chọn là công cụ bảo mật? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này. 

1. Thực trạng bảo mật thông tin của doanh nghiệp 

Trong thời đại 4.0, khi mà công nghệ ngày càng đổi mới, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để phát triển. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức về bảo mật thông tin và an toàn an ninh mạng. Đây là vấn đề thách thức đối với doanh nghiệp, bởi nếu không đảm bảo an toàn về mặt an ninh, hệ thống bảo mật thì khó lường trước được hậu quả. Doanh nghiệp sẽ mất mát về tài chính, uy tín và hình ảnh đối với khách hàng. 

Theo số liệu khảo sát của PwC về thực trạng bảo mật thông tin an ninh mạng, có tới 54% doanh nghiệp không có quy trình đối phó khi xảy ra tấn công mạng và 44% không xây dựng chiến lược tổng thể trong bảo mật thông tin. Đây là lỗ hổng không chỉ trên thế giới mà còn là vấn đề lớn tại Việt Nam. Có nhiều lý do giải thích cho việc doanh nghiệp không chú trọng vào vấn đề bảo mật thông tin như không biết dùng công cụ nào là đảm bảo, không có đủ nguồn kinh phí,…

Hiện nay, blockchain được nhắc đến như một cơn sốt trên các diễn đàn và giới công nghệ về các ứng dụng của nó. Số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ blockchain đang dần tăng lên xuất phát từ lý do bảo mật thông tin an toàn, công khai. Chính vì nổi bật về việc chuyển đổi nguyên lý bảo mật trong các giao dịch tài chính và trao đổi thông tin, blockchain được xem là công cụ đặc biệt trong việc giải quyết mối lo ngại về bảo mật thông tin của doanh nghiệp. 

Thực trạng bảo mật thông tin của doanh nghiệp (Nguồn ảnh: Akachan)

2. Lý do blockchain trở thành công cụ đặc biệt trong bảo mật thông tin

Khi công nghệ càng phát triển, vấn đề bảo mật thông tin càng được chú trọng. Thị trường bắt đầu xuất hiện nhiều công cụ và giải pháp bảo mật hơn. Nhưng đâu là giải pháp tối ưu? Liệu công cụ này có thực sự an toàn? Để giải quyết cho những vấn đề này, blockchain đã xuất hiện và cho thấy tính ứng dụng và sự khác biệt không thể nhầm lẫn. Ban đầu, blockchain là một ví dụ điển hình nổi bật về chuyển đổi nguyên lý bảo mật trong các giao dịch tài chính và trao đổi thông tin. Trên thực tế, nó đã trở thành một cách tiếp cận đáng tin cậy để giới thiệu tính bảo mật và minh bạch tốt hơn trong các giải pháp công nghệ, đây cũng là lý do chính khiến blockchain trở thành công cụ đặc biệt trong bảo mật thông tin. 

Ngoài ra, để khiến blockchain trở thành một công cụ đặc biệt trong bảo mật thông tin thì không thể không nhắc đến những hữu ích của công nghệ này. Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Nó được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain đổ, những máy tính khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Đó là những lý do khiến doanh nghiệp lựa chọn blockchain trở thành công cụ và giải pháp chống lại lo ngại bị hack thông tin.

Công nghệ blockchain có tính năng bảo mật tốt hơn bởi vì không có bất kỳ một khe hở nào có thể được tận dụng để đánh sập hệ thống – thậm chí là đối với các hệ thống tài chính có nguy cơ tiềm ẩn cao nhất. Ví dụ như phần mềm Bitcoin chưa từng bị hack một lần nào, bởi vì hệ thống blockchain của Bitcoin được bảo mật bởi rất nhiều máy tính khác nhau được gọi là các nút mạng (nodes) và chúng sẽ đảm bảo việc xác nhận cho những giao dịch trong hệ thống.

Lý do blockchain trở thành công cụ đặc biệt trong bảo mật thông tin (Nguồn ảnh: Termoli online)

3. Những đặc điểm khiến blockchain bảo mật

Như đã đề cập ở phần trên, những hữu ích mà blockchain mang lại là lý do khiến blockchain trở thành một công cụ đặc biệt về bảo mật thông tin trong mắt doanh nghiệp. Dưới đây, chúng ta cùng xem xét những đặc điểm khiến blockchain hữu ích đến vậy.

Bản chất phi tập trung

Nền tảng chính trong hoạt động của blockchain là phân quyền. Công nghệ sổ cái phân tán cho phép cấu trúc dữ liệu thành các khối, với mỗi khối bao gồm một giao dịch hoặc nhiều giao dịch. Các khối mới kết nối với các khối trước đó trong một chuỗi mật mã. Quan trọng nhất, rất khó để giả mạo chuỗi bản ghi hoặc bất kỳ bản ghi riêng lẻ nào, tức là khối. Vì vậy, đây là một dấu hiệu rõ ràng về mức độ bảo mật đáng tin cậy của blockchain.

Cơ sở dữ liệu trực tuyến truyền thống thường sử dụng kiến ​​trúc mạng máy khách – máy chủ. Điều này có nghĩa là người dùng có quyền truy cập có thể thay đổi các mục nhập được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu, nhưng quyền kiểm soát tổng thể vẫn thuộc về quản trị viên. Khi nói đến cơ sở dữ liệu blockchain, mỗi người dùng chịu trách nhiệm duy trì, tính toán và cập nhật mọi mục nhập mới. Mọi nút đơn lẻ phải làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng tất cả chúng đều đi đến cùng một kết luận. Cơ chế hoạt động này cho thấy rằng, không một cá nhân nào có thể truy cập thông tin dữ liệu của cá nhân khác nếu không có sự cho phép. Dữ liệu và thông tin an toàn tuyệt đối.

Cơ chế hoạt động an toàn của các node, hàm trong blockchain

Để nói về các đặc điểm bảo mật của blockchain, bạn phải hiểu những thuật ngữ và cơ chế hoạt động của blockchain, bởi vì những cơ chế này hoạt động khiến blockchain trở thành công cụ đặc biệt trong bảo mật thông tin doanh nghiệp. 

Về mặt lý thuyết, nguyên lý của blockchain là không thể thay thế được, đó cũng là lý do các dữ liệu về thông tin của doanh nghiệp không phải lo sợ khi hacker xâm nhập và sửa đổi thông tin. Để giải thích cho nguyên lý trên, một là dấu vân tay mã hóa duy nhất cho mỗi khối, và hai là một “giao thức đồng thuận”, quá trình mà các nút trong mạng đều đồng ý về một lịch sử được chia sẻ.

Dấu vân tay mã hóa hay còn gọi là băm. Nó là bằng chứng cho thấy các thợ mỏ thêm khối vào blockchain đã thực hiện công việc tính toán để kiếm phần thưởng bitcoin (vì lý do này, Bitcoin được cho là sử dụng giao thức “chứng minh-đã-làm việc”). Nó cũng như một loại con dấu, vì việc thay đổi khối sẽ yêu cầu tạo ra một băm mới. Rất dễ để xác minh xem băm có khớp với khối của nó hay không và một khi các nút đã thực hiện lệnh vì thế chúng cập nhật các bản sao khối lệnh tương ứng với khối mới. Đây chính là giao thức đồng thuận.

Yếu tố bảo mật cuối cùng là các hash (băm) cũng đóng vai trò như các liên kết trong blockchain: mỗi khối bao gồm băm duy nhất của khối trước đó. Vì vậy, nếu bạn muốn thay đổi một mục trong sổ cái kế toán trước, bạn phải tính toán một băm mới không chỉ cho khối đó mà còn cho mỗi khối tiếp theo. Và bạn phải làm điều này nhanh hơn các nút khác mới có thể thêm các khối mới vào chuỗi.

Đây là những điều khiến dữ liệu trong blockchain không thể bị giả mạo hay thay đổi.

Thuật toán mật mã đảm bảo an ninh blockchain

Blockchain là một tập hợp các bản ghi liên tục phát triển và các khối mới được thêm vào danh sách liên tục. Khi mạng phát triển lớn hơn, sẽ khó đảm bảo rằng tất cả thông tin trên blockchain được bảo mật khỏi bất kỳ mối đe dọa không mong muốn nào. Mật mã là một trong những yêu cầu cơ bản trong blockchain. Nó cung cấp nền tảng để điều chỉnh các giao thức và kỹ thuật nhằm tránh sự can thiệp của bên thứ ba vào việc truy cập và mua bán thông tin liên quan đến dữ liệu trong các tin nhắn riêng tư trong quá trình giao tiếp.

Kết luận

Những vấn đề và thực trạng bảo mật thông tin ở doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Hy vọng thông qua bài viết về một số đặc điểm khiến blockchain trở thành một công cụ đặc biệt trong bảo mật thông tin, có thể khiến doanh nghiệp lựa chọn được cho mình công cụ hữu ích là blockchain và xây dựng giải pháp bảo mật an toàn, tin cậy để hoạt động kinh doanh được bền vững và phát triển.

0913987079
Copyright @ GOBRANDING JSC. All right Reserved.Thiết kế website bởi GOBRANDING